THAY LỜI TỰA
Tích Lan (Sri-laṅkā) là cái nôi của Phật giáo Theravāda sau đó lan truyền khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu nhất là ở các quốc gia truyền thống như Thái, Myanmar, Campuchia và Lào – những đất nước Chùa Tháp – cũng từ một cội nguồn, sau đó phát triển, hưng thịnh thành quốc giáo. Họ tin Phật, tu Phật và đã bảo lưu có hiệu quả những giá trị nghìn đời của đạo giác ngộ, giải thoát. Riêng Việt Nam cũng được sinh ra từ hệ Nam truyền ấy, hiện có khoảng trên dưới 160 ngôi chùa trong và ngoài nước mà tăng, ni, tu nữ và cận sự nam nữ cũng rất là “thạnh mậu”. Công đức ấy thuộc về chư cố tôn túc đại trưởng lão: Hộ Tông, Thiện Luật, Bửu Chơn, Giác Quang, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Hộ Nhẫn… từ buổi đầu khai tông lập hệ.
Nói như Lão Tử: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật…”; Tích Lan là l con số “Một” ấy, nhưng chưa có công trình nào khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ rồi viết về lịch sử con số “Một” ấy một cách đầy đủ để trả “món nợ” ân đức giáo pháp biển trời!
Viết sử, nhất là sử Phật giáo Tích Lan thì rất khó khăn, phức tạp vì đất nước ấy cùng tồn tại từ ngàn xưa 3 loại cổ ngữ Pāḷi, Sanskrit và Sinhalese mà chúng thì thường lẫn lộn trong nhau. Khái quát thì Pāḷi không có một hệ thống chữ viết thống nhất. Tại Ấn Độ, người ta dùng mẫu tự Devanāgarī; tại Sri Laṅkā thì dùng mẫu tự Sinhala; ở Miến Điện dùng mẫu tự của dân tộc Môn; ở Thái Lan dùng mẫu tự Kamboja; và Hội Thánh điển Pāḷi (Pāḷi Text Society) thì sử dụng mẫu tự Roman (La Tinh) để viết chữ Pāḷi – hiện nay đã được phổ biến trên khắp thế giới. Vậy, Pāḷi trong nhiều nước thuộc hệ Nam truyền đều viết khác nhau. Riêng tại Tích Lan, gặp một từ, đôi khi là cụm từ, ta chưa vội xác định nó là ngôn ngữ nào. Một ví dụ: Sukhāvatī (Tây phương Cực lạc), cụm từ này là Pāḷi, Sanskrit hay Sinhalese?
Lý do bất khả thứ hai là tư liệu nguồn? Nguồn nào là chính thống đáng tin cậy nhất? Dĩ nhiên nhiều người biết đấy là các biên niên sử Tích Lan, là Đại sử (Mahāvaṃsa) và Đảo sử (Dīpavaṃsa), dường như là được chấp bút vào thế kỷ thứ V. Quyển Đại sử thì Tt. Minh Huệ đã dịch và lấy tiêu đề là “Đại vương thống sử”, in thành sách đã lâu. Quyển “Sử liệu về đảo Laṇkā (Dīpavaṃsa)”, Việt dịch: Tt. Indacanda – hiện có sẵn trên mạng.
Năm 2010, tôi có viết lời “Giới thiệu tác giả và dịch phẩm” cuốn Đảo sử của Tt. Indacanda – tức là tôi đã đọc khá kỹ quyển sử này. Và rồi bây giờ, tôi đọc thêm Đại sử một lượt nữa. Nghiên cứu kỹ cả 2 quyển, nhưng tôi chỉ viết được chừng 80 trang thì bỏ dở vì vẫn cảm thấy còn thiếu nhiều tư liệu…
Năm 2014 tôi đi Tích Lan cốt ý là tìm thăm các di tích Phật sử để tạo cảm xúc cho công trình của mình. Tôi đã đi chiêm bái hầu hết các nơi. Đặc biệt là tôi đã ngồi rất lâu dưới cội đại Bồ-đề… thì lúc ấy, một giai đoạn lịch sử huy hoàng về gốc tích cây Bồ-đề tại thánh địa này – xưa ở đây gọi là Đại uyển (Mahāmeghavana) tại kinh thành Anurādhapura – chợt tái hiện về:
“- Trưởng lão ni Saṅghamittā cùng với phái đoàn ni chúng nhận nhiệm vụ đến Đảo quốc để truyền thụ đại giới cho hoàng hậu Anūladevī và 1000 cung nga thể nữ. Cùng lên thuyền với phái đoàn có một nhánh Bồ-đề được chiết từ cây mẹ tại Bodh-Gayā được gìn giữ rất cẩn thận; họ mang luôn đất bản địa và có cả chuyên gia vật lý đi theo chịu trách nhiệm bảo quản và ươm trồng. Thuyền ghé bến, chinh đích thân đức vua Devānampiya-Tissa đã lội trần xuống biển, tôn kính đội nhánh cây Bồ-đề lên đầu mình và sau đó là một cuộc đón rước với nghi thức long trọng đến nơi dự định. Thế là cây Bồ-đề lịch sử thiêng liêng được tôn trí tại đây (chỗ tôi đang ngồi), rồi sau này được chiết nhánh trồng 32 tỉnh thành khắp hải đảo…
…Xuân Tết Quý Mão vừa rồi tôi hạ quyết tâm viết tiếp. Tôi đã nhờ một số đệ tử lùng mua tất cả sách gì có liên hệ đến sử Tích Lan; đồng thời có thêm chừng hơn 10 nguồn khác nữa nhờ Internet. Được chừng 200 trang thì tôi mới phát giác hai bộ Đại sử và Đảo sử có một vài “vấn đề” tranh luận khi đọc cuốn “Nghiên cứu, phê bình lịch sử Phật giáo Sri-laṅkā thời kỳ đầu” – Chủ biên: Giáo sư Dhammavihari Thera, Thích Huệ Pháp dịch. Trong cuốn này, người ta đã chỉ ra vài ba chỗ bất cập của Đại sử và Đảo sử. Để “xử lý sự vụ” này, tôi không cắt bỏ nguồn nào hết mà ghi lại tất cả mọi nhận xét, phê bình của nhiều tác giả để độc giả tiện bề so sánh rồi tự mình kết luận quan điểm nào là khả thủ nhất.
Cuối cùng, nhờ duyên lành, để chỉnh sửa và có thêm tư liệu, tôi được một phật tử vô danh trực tiếp nhờ một phật tử khác gởi tặng bộ sách: “Bách khoa Toàn thư Phật giáo” – Chính phủ Tích Lan xuất bản và in ấn vào các năm 1966, 1967, 1971, 1979, 1990, 1996, 2003, 2007… nguyên bản tiếng Anh: “Encyclopaedia of Buddhism” – Published by the Government of Ceylon; Printed at the Government press, Ceylon – bìa cứng, khổ lớn, 8 cuốn, mỗi cuốn dày chừng 800 trang. Tôi tìm đọc những chỗ cần thiết, nhờ thêm các đệ tử giúp sức, cuối m cùng công trình cũng tạm hoàn thành, thấy nhẹ nhõm cả người.
Nói tóm lại, tấm gương rạng ngời của đất nước hải đảo này trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã lấy xương máu, hơi thở và sự sống của mình để bảo vệ giáo pháp uyên nguyên – hy vọng sẽ mang đến ít nhiều lợi lạc cho những người học Phật và tu Phật hữu duyên!
Mong lắm vậy thay!
Viết tại Thiền viên Thiên Để Nguyệt Cuối Xuân Quý Mão, năm 2023.
Sīlaguṇa Mahāthera
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)