Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo
Tỳ-Khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Lời Nói Đầu
Nhân dịp đêm rằm tháng tư PL. 2563 năm (19-5-2019), tại ngôi chùa Tổ Bửu-Long làm lễ kỷ niệm ngày rằm tháng tư trong Phật-giáo, có 3 sự kiện lịch sử trọng đại là:
– Ngày rằm tháng tư cách nay 2643 năm (2563+80), Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh tại khu vườn Lumbinī.
– 35 năm sau, vào đêm rằm tháng tư cách nay 2608 năm (2643-35), Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại khu rừng Uruvelā.
– Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm, đến đêm rằm tháng tư cách nay 2563 năm (2608-45), Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, tại khu rừng Sāla, xứ Kusinārā, thọ 80 tuổi.
Trong đêm rằm tháng tư, tại ngôi chùa Tổ Bửu-Long làm lễ kỷ niệm ngày rằm tháng tư trong Phật-giáo, bần sư giảng giải về ngày rằm tháng tư trong Phật-giáo có 3 sự kiện lịch sử trọng đại đáng ghi nhớ.
Bài giảng trong đêm rằm tháng tư ấy được ghi chép và bổ sung thêm để giúp độc giả tìm hiểu đại khái về Đức-Bồ-tát tiền-kiếp đầu tiên cho đến Đức-Bồ-tát kiếp chót của Đức-Phật Gotama, trải qua vô số kiếp thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua khoảng thời gian suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức Phật Gotama. Đức-Phật Gotama có tâm đại-bi vô lượng đối với tất cả chúng-sinh muôn loài, trong vô số chúng-sinh ấy có cả mỗi người chúng ta ngày nay.
Quyển sách nhỏ “Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo” này, bần sư đã cố gắng sưu tầm gom nhặt nhiều nguồn tài liệu từ trong Tam-tạng Pāḷi, bộ Chú-giải Pāḷi và các bộ sách khác liên quan đến Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tóm lược chỉ được bấy nhiêu thôi!
***