BHIKKHUPATIMOKKHA
GIỚI BỔN TỲ-KHEO
Biên Soạn: Sư Giác Giới
—
Lời Nói Đầu
Bhikkhupatimokkha, đọc âm là “ba-đề-mộc-xoa tỳ kheo”, dịch là “biệt giải thoát giới của tỳ-kheo”. Chúng tôi đặt tựa đề quyển sách cho gãy gọn là Giới Bổn Tỳ-kheo.
Thật ra, không mới mẻ gì khi soạn quyển Giới Bổn Tỳ-kheo, vì trong quyển Luật Nghi Tổng Quát chúng tôi cũng đã biên soạn phần giới bổn patimokkha để tụng đọc trong lễ bố-tát (uposatha), và trong quyển Tứ Thanh Tịnh Giới của Hòa Thượng Bửu Chơn cũng có đầy đủ giới bổn patimokkha. Cả hai quyển ấy đều trình bày patimokkha theo hình thức song ngữ Pali-Việt, nhưng xong hết pali mới dịch nghĩa.
Trong quyển Giới Bổn Tỳ-kheo nầy, chúng tôi biên soạn theo cách khác, nêu ra từng học giới Pali-Việt; mỗi học giới (sikkhapada) có tên riêng (tên học giới thống nhất theo các xứ Phật Giáo Nam Truyền). Như thế sẽ lợi ích cho chư tỳ-kheo học giới bổn, biết tên mỗi điều giới, và khi thuộc lòng điều giới Pali sẽ nhớ luôn ý nghĩa của điều giới ấy.
Mặt khác, ở phần đầu của sách chúng tôi biên soạn luôn các luật nghi phải làm trong ngày bố-tát tụng giới bổn, và phần sau cùng của quyển sách trình bày thêm bốn cách tụng giới bổn giản lược.
Một điều nữa, việc chú thích xuất xứ ở mỗi học giới Pali, chúng tôi ghi Vin I, Vin II… nghĩa là quyển luật chánh tạng 1,2… và kèm theo số trang, đó là Tạng Luật Pali Thái Lan.
Quyển Giới Bổn Tỳ-kheo chúng tôi làm như cuốn sổ tay giới luật cho những vị tỳ-kheo thích học luật và trì luật.
Ước nguyện của chúng tôi khi biên soạn quyển Luật nầy là góp phần nhỏ cho tủ sách kinh điển Pali. Nghĩ đến nó chúng tôi rất vui.
Xin hướng nguyện công đức nầy đến muôn loài chúng sanh, mong tất cả được an vui tiến hóa.
—
Mùa an cư, Phật Lịch 2561
Tỳ-kheo Giác Giới