Tóm lược bộ Đại Sử, thay lời tựa
Như tựa đề là Đại Sử Phật Giáo Ấn Độ nên nội dung của tác phẩm này có sự liên kết hữu cơ giữa đức Phật lịch sử và đất nước Ấn Độ.
Đức Phật lịch sử có bi ký, có sử liệu, có thánh điển Tam tạng còn đức Phật tôn giáo, tín ngưỡng thì không có mọi sử liệu, chỉ do đời sau phương tiện dựng lên. Còn nữa, từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu thường lấy thời điểm thái tử Siddhattha Đản sanh hay xa hơn một chút là từ cung trời Đẩu Suất giáng hạ để viết cuộc đời ngài. Bộ sử này chúng tôi đi xa hơn thế, rất xa từ khi thái tử còn là Bồ-tát Sumedha nhân duyên gặp đức Phật Dīpaṅkarā và được ngài thọ ký. Rồi sau đó trải qua 24 vị Phật Tổ, Bồ-tát tu tập thập độ Ba-la-mật cho viên mãn nữa.
Về đất nước Ấn Độ cũng thế. Chúng tôi lấy khởi nguồn từ mấy thiên niên kỷ trước, đặc tả khái quát nhưng khá chi tiết về ngọn Himālaya hùng vĩ, nằm trong một quần thể núi non mà thiên nhiên đã kiến trúc kỳ vĩ ra sao. Từ cụm quần sơn này xuất sinh cả hằng chục con sông, trong đó có hai con sông lớn nhất là Indus và Gaṅgā, lại chảy ngược nhau như chia đôi sứ mệnh để tạo nên những bình nguyên màu mỡ đầy sức sống cho dân tộc Ấn Độ. Sông Indus (sông Ấn) dài chừng 1.500 km chảy về hướng Tây nam. Sông Gaṅgā (sông Hằng) dài khoảng 2.510 km chảy về hướng Đông nam. Chúng tôi đã mô tả rất kỹ, là tại lưu vực sông Indus này đã tồn tại một nền văn minh cổ đại huy hoàng và rực rỡ, kéo dài từ năm 2.800 t.tl. đến năm 1.300 t.tl.; được gọi là nền văn minh Harappa và Mohenjo-Daro mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy có trên 140 thành phố với quy mô hoàn chỉnh. Lưu vực sông Gaṅgā cũng tương tự, hình thành một nền văn minh khác mà về ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc… cũng xán lạn và huy hoàng, được gọi là nền văn minh tiền Vệ Đà, kế tiếp sau năm 1.300 t.tl. cho đến thời thái tử Siddhattha chào đời, năm 623 t.tl.
Sở dĩ chúng tôi đi rất xa như thế là để biết rằng, vương quốc Sākya, thành Kapilavatthu nằm dưới chân Himālaya đã thừa hưởng địa lý non linh khí thiêng ấy; và thái tử không chỉ kế thừa năng lực Ba-la-mật trải qua 24 vị Phật Tổ mà trong “vô-thức-truyền-đời-của-bộ-tộc” ngài còn kế thừa những nền văn minh, văn hóa cổ xưa nữa. Dường như ai cũng hiểu rằng, “đất” và “người” thường liên hệ thiết cốt, tương tác, tương duyên với nhau. Và chính Bồ-tát khi còn ở cung trời Đẩu Suất cũng đã chọn địa linh này làm chỗ giáng sinh.
Năm 623 t.tl. Bồ-tát ra đời cũng là lúc nền văn minh tiền Vệ Đà đã bước qua giai đoạn văn minh Vệ Đà, nghĩa là đã có một bộ thánh thư Vệ Đà hoàn chỉnh nhờ sự chỉnh sửa của một số trí thức tiền Bà-la-môn. Lúc này, 4 bộ Vệ Đà đã trở thành thánh kinh của Bà-la-môn giáo, 4 giai cấp xã hội đã lập định và 6 phái triết học theo truyền thống cũng đã định hình. Tư tưởng của 6 vị giáo chủ này tuy khác biệt nhau nhưng chủ thuyết của họ cũng chỉ xoay quanh tiểu ngã (Ātman) và đại ngã (Mahātman) hay là Phạm thể (Brahman) tối cao. Đồng thời với Vệ Đà là sự xuất hiện của Upaniṣhad (Áo Nghĩa Thư), bổ túc tư tưởng cho Vệ Đà nên Upaniṣhad còn được gọi là hậu Vệ Đà. Thánh thư này không công nhận sự mặc khải của Thượng đế mà gần gũi “trò ngồi bên chân thầy để nghe thầy dạy bảo”. Và có một quan điểm khác với Vệ Đà, khi Upaniṣhad bảo rằng Ātman và Brahman không phải là hai thực thể cách biệt, khi Ātman tự hoàn thiện mọi phẩm chất, phẩm tính của mình thì tức khắc thể nhập với Brahman, là-một-với Brahman, chính là Brahman, không hai không khác. Khái lược là vậy, nhưng tư tưởng của 6 phái triết học này cũng không đơn giản, ta phải nghiên cứu kỹ càng lập thuyết và chủ trương của từng phái một, vì chắc hẳn nó cũng có những giá trị nhất định nên đã chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của giai cấp trí thức Bà-la-môn thuở ấy. Triết học cổ Ấn Độ quả là trăm hoa đua nở, tự do tư tưởng tuôn chảy tràn lan không có biên vức – nên sau đó không bao lâu – có thêm 6 phái triết học ở ngoài truyền thống ra đời, họ đã cực lực phản bác tư tưởng 6 phái triết học trong truyền thống với ngôn ngữ và hình tượng cực kỳ “phản động”, có thể gọi họ thuộc những phái Duy tâm cực đoan hoặc Duy vật lịch sử…
Trong không gian và khí hậu tâm linh ấy, trong bối cảnh tư tưởng rối ren và “loạn xà ngầu” ấy, năm 588 t.tl., Bồ-tát đắc quả vị Phật, Chánh Đẳng Giác, bậc Suốt Thông Tự Tại xuất hiện và khai đàn lập giáo. Hai bài pháp đầu tiên tại vườn Nai độ cho 5 hiền triết khổ hạnh Kiều Trần Như là Chuyển pháp luân và Vô ngã tướng như là tuyên ngôn một chân lý độc sáng chưa hề có trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ. Nếu Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư nói về Ngã, về Ātman thì đức Phật bảo, không có Ngã ấy, nó là Vô ngã (Anattā). Nếu tư tưởng truyền đời của họ luôn nói về Brahman, Phạm thể tối cao, là Thượng đế ban thưởng phạt ác, chi phối sinh mệnh của muôn loài thì đức Phật bảo không, không phải vậy, Brahman ấy, Phạm thể ấy không phải là Thượng đế, là thần linh mà chỉ là một chúng sanh dù tiến hóa bậc cao nhưng vẫn còn trầm luân trong sanh tử, còn phiền não và khổ đau. Và ở đây, đức Phật chỉ nói về Khổ và sự Diệt Khổ.
Sau khi đập Ngã, đập Thượng đế, đức Phật đập luôn 4 giai cấp bất công của xã hội; nghĩa là không chỉ nêu ra sự bình đẳng “không có giai cấp khi máu ai cũng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt ai cũng mặn” mà ngài còn triệt hạ sự đặc quyền, đặc lợi, “ăn trên ngồi trốc” của giai cấp Bà-la-môn nữa. Đức Phật không chỉ nói suông mà ngài còn hành động, đã minh họa cụ thể sự thật ấy là bằng cách thâu nhận cô gái giang hồ, tên cướp khát máu và cả kẻ hốt phân vào Giáo hội Tăng đoàn, đưa họ đến bến bờ giác ngộ và tự do cả thảy. Và cuộc đời đức Phật, từ lúc Đản sanh đến lúc ngài Niết-bàn, cũng được chép lại tuy tóm lược nhưng đầy đủ về hành trạng, về nhân và vật dựa theo bộ Đại Sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt – cùng tác giả.
Sau 45 năm trao thông điệp Khổ và Diệt Khổ, mở rộng cửa người, trời và giải thoát phiền não cho muôn sinh, đức Phật Niết-bàn năm 543 t.tl., như cái gì tất yếu có tụ có tan, có sinh có diệt. Giáo pháp trí tuệ và từ bi của đức Tôn Sư còn được chư Tăng Ni hệ hệ kế thừa, khi thì bình minh mát mẻ quang rạng, khi thì giờ ngọ chói chang nóng nực, khi thì hoàng hôn tối mờ ảm đạm. Trải qua ba không-thời-gian này, giáo pháp của Thế Tôn ban đầu còn giữ nguyên Pháp và Luật, sau đó phân phái và sau đó nữa đã hình thành rõ ràng Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Có chừng 11 bộ phái được đi ra từ Thượng tọa bộ; và sau kỳ kết tập lần thứ III, dưới thời đức vua Asoka (s. Aśoka), khoảng năm 236 pl. thì con trai, con gái của vị đại đế trí hiền này là trưởng lão Mahinda và trưởng lão Ni Saṅghamittā mang giáo pháp Thượng tọa bộ sang Tích Lan rồi phát triển hưng thịnh tại đây, là căn cứ địa vững chắc để sau này lan tràn khắp thế giới. Đại chúng bộ cũng có tương đương từng ấy bộ phái và phát triển rầm rộ còn hơn cả Thượng tọa bộ nữa. Ai cũng có cơ sở lập thuyết hữu lý cho riêng mình. Ví dụ phái Nhất thiết hữu thuộc Đại chúng bộ, tư tưởng gần với Thượng tọa bộ nhất, chỉ khác cái là họ bắt đầu suy luận. Họ bảo rằng Ngã “không”, đồng ý rồi, nhưng Pháp thì “hữu”, là có, vì có tu, có đắc, có chứng! Thoạt nghe ra thì cũng “chánh pháp” lắm, nhưng xin thưa, họ đang đi vào biên ranh của “luận” rồi. Chỗ này rất vi tế là, đức Phật chỉ giảng nói Sự Thật, nhưng họ đã đi vào “bàn luận về Sự Thật!” Hữu bộ này có ba tôn giả chủ soái, đấy là Thế Hữu, Hiếp tôn giả và Mã Minh chủ trì kết tập kinh điển lần thứ IV bằng ngôn ngữ Sanskrit. Trước đây, chư sử gia thường kể qua loa như thế nhưng họ cũng có những lập thuyết đáng được quan tâm. Trong ba vị này, tôn giả Thế Hữu đã có biên soạn một bộ luận dài hơi, có tên là Dị bộ tông luân luận, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu toàn bộ tư tưởng của luận này, để biết tôn giả kiệt xuất của chúng ta đã nói gì trong đó? Hiếp tôn giả thì giảng nói Phương đẳng kinh ra sao? Còn Mã Minh là bậc thiên tài về văn bút, đã nhuận sắc, thổi linh hồn cho ngôn ngữ toàn bộ Tam tạng của Hữu bộ, tôn giả còn có một tuyệt tác thi phẩm tán thán ca đức Phật không thua gì hai sử thi nổi danh của Hy Lạp. Và còn rất nhiều nữa, như tôn giả Mã Minh còn viết bộ Đại thừa khởi tín luận. Chúng ta cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu một cách tận tường vì tư tưởng của bộ luận này tạo tiền đề cho Đại thừa lập thuyết.
Đến đây, là chừng khoảng 900 năm sau Phật diệt độ, bắt đầu nườm nượp chư vị luận sư tài hoa xuất chúng ra đời. Nếu Thượng tọa bộ chỉ có 3 vị tạm coi là luận sư như chư vị tôn giả Nāgasena, Buddhaghosa và Dhammapāla. Đại chúng bộ mà đại diện là Nhất thiết hữu cũng có 3 vị như đã kể ở trên; và lác đác trong Đại chúng bộ có phái đã manh nha tư tưởng về Trí tuệ Bát-nhã, Bồ-tát, Phật tính… mà sau này trở thành tư tưởng nền tảng của Đại thừa. Và đây đúng là thời mà trăm hoa đua nở lần thứ hai – khi các phái Đại thừa xuất hiện, tha hồ và tự do phát triển tư tưởng, biến tấu tư tưởng không còn đâu là giới hạn, là biên ranh nữa. Đại thừa thì có cả hằng chục vị có sở học và kiến thức tinh thông bác lãm. Có cả thảy 2 dòng Đại thừa, ta có thể kể ra đây: Dòng Đại thừa Trung quán có chư vị luận sư Long Thọ, Thánh Thiên, Phật Hộ, Nguyệt Xứng, Thanh Biện, Trí Quang… Dòng Đại thừa Duy thức có chư vị luận sư Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Hộ Pháp, Pháp Xứng, Giới Hiền… Mỗi vị là một “ngọn núi cao”, leo lên cũng mỏi óc, mỏi trí; tư tưởng kỳ vĩ và thâm viễn của họ còn ảnh hưởng đến tận thời đại ngày nay. Trong bộ sử này, chúng tôi sẽ cung cấp tạm đầy đủ về cuộc đời và tác phẩm của từng vị luận sư. Chẳng đơn giản chút nào. Chúng ta cũng cần phải trang bị một khả năng lãnh hội thế nào đó chứ không dễ gì thông hiểu các bộ luận ấy một cách tận tường đâu. Ví như Trung quán của Long Thọ, có vẻ ai cũng hiểu ngữ nghĩa của nó – nhưng mà đến phiên các đệ tử luận sư đi sau – thì họ “luận” rất chi ly và phức tạp: Có Trung quán hữu tướng và Trung quán vô tướng! Tuy nhiên, Trung quán của Long Thọ cần được các bậc trí giả, thức giả học Phật để ý cho: Là Long Thọ đã dựa vào Duyên khởi Vô ngã tính của Theravāda để lập thuyết Trung quán! Ví như Thế Thân, vị luận sư 1000 bộ này triển khai Duy thức của anh ruột của mình là Vô Trước thì cũng dựa vào Abhidhamma của Theravāda. Chư độc giả sẽ có dịp dạo chơi khu rừng tư tưởng ấy, đầy đủ cội rễ cành nhánh lá hoa và trái quả, không thiếu thứ gì…
Còn một dòng thứ 3 nữa, đang còn tranh cãi là thuộc Đại thừa hay thuộc Kim cương thừa? Đại thừa cũng đúng mà Kim cương thừa cũng đúng vì Đại thừa có bộ kinh đồ sộ là Kim cương Bát-nhã 200 quyển, sau tóm tắt lại còn 260 chữ nói về Trí tuệ Bát-nhã, dường như ai cũng thuộc lòng. Đại biểu cho dòng Đại thừa này, tôi có chép lại bài đức Phật dạy cho Tu Bồ Đề do Ôn Nhất Hạnh giảng nói tại Làng Mai. Tuy nhiên, khi nói phái Kim cương Mật tông thì nó lại khác. Cái khác thứ nhất là họ có một vị Phật riêng, không phải là đức Phật lịch sử Sākya Muni mà là đức Phật tôn giáo Đại Nhật Như Lai, không rõ bi ký sử tích thế nào! Cái khác thứ hai, do đức Phật Sākya Muni có nói: “Như Lai giảng nói giáo pháp với hai bàn tay mở ra”, có nghĩa là không có giấu gì bên trong hết. Vậy, kể từ Phật tại tiền cho đến thời 2 dòng Đại thừa lược dẫn thì đều là “hiển giáo” nhưng đến phiên Kim cương Mật tông này lại là “mật giáo”, đi ngược lời đức Phật lịch sử thuyết giảng. Cho nên có nhà nghiên cứu gọi Kim Cương Mật tông là “phi Phật giáo” do có những phát triển tư tưởng đi quá xa, giáp ranh với ngoại đạo luôn, nếu không muốn nói đã là ngoại đạo rồi (Đọc “Bí mật tập hội” của Mật tông tả phái sẽ rõ). Tuy nhiên, ta cũng phải tìm hiểu dòng Kim cương Mật tông này có giá trị ra sao mà họ chiếm lĩnh đất nước Ấn Độ từ thế kỷ thứ VII cho đến tận thế kỷ XII – khi Hồi giáo xâm lăng thì phái này mới chịu diệt vong. Tuy diệt vong ở Ấn Độ nhưng lại phát triển hưng thịnh và ổn định ở Tây Tạng từ bấy đến giờ. Dòng Kim cương Mật tông này có tất cả 5 vị: Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, Bất Không Kim Cương, Liên Hoa Sinh và Atiśa; và chính Liên Hoa Sinh mang Mật tông sang Tây Tạng. Chư độc giả có dịp biết tiểu sử từng vị và tư tưởng của Mật giáo ra sao, họ tu tập thế nào.
Bộ sử này cũng đề cập rất kỹ tình hình, tình trạng của Phật giáo trải qua nhiều triều đại. Nếu kể từ thời đại đế Asoka (s. Aśoka), Phật giáo hưng thịnh cực kỳ thì sau đó đã bắt đầu suy thoái. Chư độc giả sẽ có dịp tìm hiểu về các triều đại này: Asoka, triều đại Moriya (Khổng Tước) sụp đổ thì triều đại Suṅga (Huân Ca) lên thay, họ kéo dài được 10 đời vua cho đến năm 73 t.tl. Sau Suṅga là triều đại Kānava thống trị đến năm 26 t.tl. thì nhường cho triều đại Kushan (Quý Sương) đến năm 375 t.l. Sau Kushan là triều đại Gupta trị vì đến năm 550 t.l; đây là thời được coi là vàng son và huy hoàng nhất không chỉ với Phật giáo mà còn là cho nền văn minh, văn hóa của Ấn Độ thời trung cổ. Sau triều đại Gupta rồi đến triều đại Harsha, là thời của các ông vua đa phần theo Mật giáo. Họ trị vì đất nước Ấn Độ cho đến thế kỷ XII. Cuối triều đại này có ông vua Sīḷadicca nghiêm minh, liêm chính, các giáo phái, tín ngưỡng đều được ông tôn trọng, cúng dường; và ông còn nổi bật đức tánh bố thí cúng dường chư Sa-môn, đạo sĩ đến đỗi không còn gì, không còn áo để mặc, phải mượn của chị gái chiếc áo choàng để quàng vào thân. Tuy nhiên, triều đại này, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XII – đã quá “mê muội” với đức tin Mật giáo làm cho Phật giáo chân chính bị biến chất, tha hóa – cũng là giọt nước làm tràn ly, cho đến khi rợ Hồi hung bạo đến đây tận diệt Phật giáo luôn, không còn gì! Đến đây, còn có một ghi chú, là Phật giáo bị tiêu diệt tại đất Ấn sau thế kỷ XII, tuy nhiên, từ trước đó rất lâu đã có manh nha sự hủy diệt này rồi. Ví như có ông vua người Bà-la-môn thù hận Phật giáo nên khi lên ngôi, ông đã tìm cách hủy tháp, diệt pháp. Ví dụ có ông vua gốc là Phật nhưng thấy cha chú sùng mộ Phật thái quá nên cha ông đã làm được gì, ông hủy phá hết… để chứng tỏ “uy tín” của mình cũng ngang bằng! Ví như trước đó đã có rợ Hung Nô, Hồi giáo Ả Rập, Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng, hủy phá chùa viện, tháp miếu, tận diệt pháp, tàn sát chư Tăng với lưỡi gươm man rợ, vô nhân tính. Đến thế kỷ XVII, xuất hiện triều đại Mughal, đế chế Akbar (1542 -1605), vị đại vương Hồi giáo Mông Cổ này xâm chiếm Ấn Độ, xây dựng đất nước hùng cường và giàu mạnh. Sau đó, cũng thuộc triều đại này, có ông vua Hồi, man rợ, độc ác và bạo tàn nhất, tên là Aureng-Zeb sai phá hủy hết các đền chùa của bọn “dị giáo”, ông tìm mọi cách diệt hết các tôn giáo khác, triệt hạ hết các đền thờ Phật giáo, Ấn Độ giáo, các nhà thờ Ky Tô giáo, hủy phá tháp Đại Giác, chặt trụi cây Đại Bồ-đề – và triệt hạ, đập phá hết các biểu tượng, ngẫu tượng của tất cả tôn giáo khác. Chỉ trong một năm, riêng tại Amber, đã có 60 ngôi đền bị phá hủy; ông cho triệt hạ ở Chitor 63 đền, ở Udaipur 123 đền… Có lẽ đây là lần hủy diệt tận cùng tất cả các tôn giáo, chỉ tồn tại duy nhất một đạo Hồi thôi.
Cuối cùng, đạo Phật tại đất Ấn bị mất tích hẳn sau thế kỷ XII nhưng lại phát triển mạnh mẽ ở phương trời khác. Như Thượng tọa bộ lập căn cứ địa tại Tích Lan từ thời đại đế Asoka (s. Aśoka) (236 pl.), sau đó, từ Đông nam theo đường biển hoằng truyền sang các nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thailand, Campuchia, Ai Lao, Việt Nam… Còn Đại chúng bộ thì chư Tăng phải bộ hành lên miền Tây bắc, sang các nước vùng Trung Á, sau đó đi qua 36 nước ven chân Himālaya, xuống Đôn Hoàng rồi hoằng truyền giáo pháp đến các quốc độ Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu, Cao Ly, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam… Và hiện giờ cả hai nhánh đã lan tràn khắp thế giới. Và rồi chúng ta sẽ biết về một “cuộc hồi hương ngoạn mục” của giáo pháp Phật trở lại với cội nguồn Đất Mẹ Ấn Độ sau 800 năm tha hương lưu lạc!
Hoàn thành công trình còn nhờ vào sự đóng góp tâm huyết của nhóm Tăng Ni cư sĩ phụ tá đã làm rất nhiều việc, như tinh chỉnh từ ngữ Pāḷi, Sanskrit, sửa chính tả, chỉnh câu dòng, dàn trang, tìm ảnh minh họa tương thích, lựa chọn màu sắc và thiết kế bìa…Và cuối cùng, tôi tán thán công đức nữ cư sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy và gia đình ở Hà Nội đã hằng tâm, hằng sản cúng dường tịnh tài để in ấn bộ Đại Sử này.
Trân trọng,
Huyền Không Sơn Thượng, Huế, Việt Nam
Thiền viên Thiên Để Nguyệt, tháng 11 năm 2023
Tỳ-khưu Giới Đức (Sīḷaguṇa-mahāthera)
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)