Lời Thưa
Cổ sử truyện Con Gái Đức Phật, kể về tiểu sử và hành trạng của chư vị Thánh Ni cùng những nữ cư sĩ ưu việt, tối thắng thời đức Phật – đã in và đã phát hành từ năm 2014 đến năm 2016-2017 ước chừng 10 ngàn bổn. Quyển sách ấy đã nhận được rất nhiều sự hâm mộ của thập phương, được các giới tăng, ni, phật tử Nam Bắc tông cho diễn đọc, phổ biến rộng rãi trên các mạng truyền thông. Hoan hỷ lắm thay!
Trước đây, viết Con Gái Đức Phật, tôi đã lựa chọn được 12 vị Thánh Ni và 11 nữ cư sĩ thù thắng, ưu việt – tổng cộng 23 vị. Bây giờ khi viết Con Trai Đức Phật, tôi lựa chọn được 10 vị Thánh Tăng Đại Đệ Tử – trong đó có 7 vị có tiếu sử dài, 3 vị có tiểu sử ngắn; tiếp theo là 3 vị Thánh Tăng Đặc Biệt và 8 cư sĩ ưu việt – tổng cộng 21 vị. Khi sưu tầm tư liệu để viết thể loại Sử Truyện – tương tự tiếu thuyết lịch sử – này, tôi đã phải tra cứu từ nhiều nguồn có uy tín ở trong các bổn Việt dịch của nhiều tác giả, soạn giả trong và ngoài nước; ngoài ra tôi còn phải tìm kiếm thêm tư liệu từ nguồn tiếng Anh để bổ sung cho đầy đủ và chính xác hơn vì các học giả Tây phương họ nghiên cứu trực tiếp từ các Nikāya và các chú giải từ Pāli văn rất đáng tin cậy.
Tuy nhiên, dù làm việc thận trọng, cẩn trọng đến đâu cũng không thể tránh khỏi những khiếm khuyết và bất toàn ở đâu đó khi đặc tả chân dung chư vị Thánh Nhân – những hiện thân siêu việt – sau gần ba thiên niên kỷ chỉ còn là hình suơng bóng khói; chỉ còn là những con chữ vô hồn, khô chết trên những trang giấy vô tri!
Đệ tử xin sám hối vì không thể nào nói hết công đức và hành trạng của quý ngài như những ngôi sao hôm, sao mai vằng vặc trên nền trời tâm linh Đông, Tây phương Phật học.
Còn một việc nữa cần “phân trần” là tên người, tên vật, tên các địa danh… trên các trang mạng hiện nay thường sử dụng cách phiên âm của người Trung Quốc nên đôi khi khó tìm ra tên gốc. Ví dụ: Mã Thắng hoặc A-xà-dụ là ai? Ương-quật-ma-la là ai? Kỳ-bà là ai? Thuần-đà là ai? Kỳ-xà-quật và Kiều-thưởng-di là địa danh nào? Kiều-tất-la và Ly-xa là cái gì?
Bây giờ với công nghệ thông tin điện tử: “tìm là thấy”, sao chúng ta không trở lại từ nguyên mà mãi phụ thuộc đã hai ngàn năm qua cách phiên âm của người Trung Quốc? Do vậy, vài trang sau, chư độc giả sẽ tìm thấy bảng Pāļi -Việt phiên âm đối chiếu để tiện cho chư vị rõ dần tên gốc. Còn phiên âm nào đã quá quen thuộc thì tôi giữ nguyên.
Biên soạn cuốn sách này, khi ra mắt độc giả, khuôn diện nó ra sao tôi còn phải nhờ cậy nhóm kỹ thuật Ngọa Tùng Am, gồm tăng, ni và cư sĩ nam nữ đã từng cộng tác đắc lực với tôi trong nhiều công trình tương tự trước đây. Họ phải dày công chỉnh sửa chính tả, câu dòng, dàn trang, thêm hình ảnh, chọn màu sắc, vẽ bìa cho tương thích thẩm mỹ. Tôi tán thán, tán dương công đức thầm lặng vô danh của họ.