LỜI NÓI ĐẦU
Trong quá khứ, chư Phật Chánh Đẳng Giác (Sammäsambuddha) để thành tựu chánh quả Vô thượng
Bồ-đề đều phải trải qua một thời gian rất dài huân tập các công hạnh Ba-la-mật. Cũng vậy, trong ngày vị lai những vị sẽ thành Phật cần có một khoảng thời gian không kể xiết nhằm tích lũy các công hạnh Ba-la-mật. Tất nhiên, mỗi vị đều có phát nguyện riêng cho bản thân, cho nên, tùy theo hạnh tu tập mà trong suốt thời gian đang là một vị Bồ-tát Chánh Đẳng Giác, các Ngài phải tu tiến phù hợp với sở nguyện của chính mình. Tùy theo Ngài là bậc đã phát nguyện:
• Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Pañnadhika), hoặc là:
• Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt (Saddhädhika), hoặc là:
• Bồ-tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt (Viriyadhika) mà thời gian tu tiến và công hạnh tích lũy của các Ngài cũng sẽ khác nhau.
Ngoài ra, các vị Độc Giác Phật (Paccekabuddha) cũng như các vị Thanh Văn Giác (Sävakabuddha) cũng trải qua một thời gian dài đáng kể để thành tựu các công hạnh Ba-la-mật của mình trong quá trình tu tiến để đoạn tận trầm luân, chẩm dứt tử sinh luân hồi.
Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi cố công tìm kiếm, sưu tập nội dung những công hạnh Ba-la-mật đó một cách vừa đủ để độc giả nắm bắt và thấu hiểu, không đi vào ví dụ cụ thể cho từng công hạnh. Đồng thời chúng tôi cũng phân loại và liệt kê các hạng Bồ-tất theo hạnh nguyện và theo quả vị chứng đắc về sau.
Phần thứ hai của tập sách này nói đến Mười vị Phật tương lai, chúng tôi chọn dịch thuật một phần cuối từ bản gốc tiếng Thái: (Tam tạng Phật sử, Phra Mahabunrich Asoko biên soạn). Ở phần đầu, cuốn Tam tạng Phật sử biên soạn này đã đề cập đến 28 vị Phật quá khứ, bắt đầu từ Đức Phật Tanhankara đến Đức Phật Gotama của thời đại chúng ta. Còn trong phần hai của sách Tam tạng Phật sử là phần nói về mười Đức Phật vị lai, vị tiếp sau Đức Phật Gotama chính là Đức Phật Metteyya và vị thứ mười là Đức Phật Sumangala (phần chúng tôi chọn dịch và đưa vào đây). Tác giả dựa trên các bộ sách của chư vị trưởng lão tiền bối để biên soạn ra phần hai của cuốn sách này. Cụ thể như sau:
1, Bộ sách Anăgatavamsagambhira của Đại trưởng lão Mahãkassapa (1160 – 1230), người Nam Ấn Độ. Bộ này là một tập kệ thi gồm 142 bài, trong đó trưởng lão đã nêu lên nội dung thông qua ngôn từ của Đức Thế Tôn để nói về cuộc đời và tiểu sử của Đức Phật Metteyya.
2, Bộ Amatarasadhãra Atthakathäanagatavamsa của Đại trưởng lão Upatissa, người Srilanka, đây là bộ Chú giải của bộ trên.
3, Bộ Amatarasadhãrã Tikãanãgatavamsa của Đại trưởng lão Upatissa, người Srilanka, đây là bộ Phụ chú giải của bộ thứ nhì ở trên.
4, Bộ Dasabodhisattuppattikathã nói về Mười vị Phật tương lai, do Đại trưởng lão Pandita, người Srilanka trước tác và dịch sang ngôn ngữ Sinhala từ năm 1953.
Nhận thấy những nội dung này là cần thiết cho hàng hậu bối học Phật và tu Phật, cho nên chúng tôi đã biên soạn và dịch thuật thành cuốn sách nhỏ này, hầu xuất bản giúp người đọc hiểu biết thêm về những gì mà có thể mình chưa biết đến. Đồng thời, việc này cũng gieo mầm và củng cố đức tin cho những ai vẫn ngày đêm miệt mài nỗ lực, tinh cần trên con đường khai phóng và giác ngộ của chính mình.
Trong quá trình biên soạn tất nhiên không tránh khỏi những sơ suất, lầm lỗi trên tất cả mọi mặt, cầu mong các bậc thức giả lượng tình chỉ dạy cho.
Phần phước thiện này chúng con xin hồi hướng đến tất cả chúng sinh, nhất là thầy tổ, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc, bạn bè, cùng tất cả chư thiên và nhân loại. Cầu mong tất cả quý vị nhận lãnh phần thiện phước thanh cao này rồi được thoát khỏi khổ ách, an lạc lâu dài.
Huế, mùa Xuân 2024
Tường Nhân Sư