PHÁP NHẪN-NẠI
(KHANTIDHAMMA)
TỲ-KHƯU HỘ-PHÁP
(DHAMMARAKKHITA BHIKKHU)
(AGGAMAHĀPAṆḌITA)
LỜI NÓI ĐẦU
Nhân dịp đêm rằm tháng giêng PL.2562 năm, bần sư giảng giải về pháp nhẫn-nại (khantidhamma) câu đầu của câu kệ trong lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama trong ngày đại-hội Thánh-Tăng như sau:
“Khantī paramaṃ tapo titikkhā”
(Nhẫn-nại là đức-hạnh cao thượng)
Bài giảng pháp nhẫn-nại trong đêm rằm tháng giêng được ghi chép lại và có bổ sung thêm các bài kinh khác, để giúp độc giả hiểu biết rõ về pháp nhẫn-nại.
* Pháp nhẫn-nại đó là vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với tâm-từ, bậc thiệntrí có pháp nhẫn-nại, dù người ác nào đến đặt chuyện vu khống, hoặc chửi rủa mắng nhiếc, hăm dọa, hoặc đánh đập hành hạ, v.v… bậc thiện-trí vẫn không phát sinh sân-tâm oán ghét người ác ấy, nhờ pháp nhẫn-nại vô sân tâm-từ đối với tất cả mọi chúng-sinh muôn loài.
Trong đời này, bậc thiện-trí nào có pháp nhẫn-nại không chỉ đem lại sự lợi ích cao thượng cho chính mình, mà còn đem lại sự lợi ích cho người ác nữa, bởi vì pháp nhẫn-nại này có liên quan giữa mình với người khác.
Bậc thiện-trí có pháp nhẫn-nại thì có quả báu tốt lành trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
***