VÔ THƯỜNG, KHỔ và VÔ NGÃ

Giáo lý Vô Ngã được xem là rất quan trọng đối với hàng Phật tử. Không có sự thực chứng Chân Lý nào có thể xảy ra mà không có trí hiểu biết về bản chất anattā (vô ngã) của các pháp. Để thực chứng Chân Lý, chúng ta phải hành thiền, và trong khi hành thiền, trí hiểu biết về vô ngã phải phát sanh. Chúng ta cần phải có trí hiểu biết về bản chất vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā) của các pháp. Chừng nào chúng ta chưa kinh nghiệm được những đặc tính (vô thường, khổ và vô ngã) này trong thiền, không chỉ trên phương diện tri thức, mà kinh nghiệm một cách trực tiếp, chúng ta không thể nào thực hiện được những tiến bộ. Thiền Minh Sát hay Vipassanā làm việc trực tiếp với những đặc tính ấy. Có thể nói những đặc tính này có mặt ở khắp các giai đoạn Minh Sát. Về thiền Minh sát này tôi sẽ bàn đến sau, nhưng trước hết tôi cần giải thích những gì che án ba đặc tính hay tam tướng khỏi sự nhận thức trong suốt giai đoạn thiền đã.
Vô thường bị che án bởi tính tương tục. Nếu ta nhìn vào ngọn đèn cầy, ta có thể nghĩ rằng ngọn lửa là y như vậy từ lúc này đến lúc khác. Thực sự ra, ngọn lửa đang không ngừng diệt và sanh trở lại trong từng khoảnh khắc. Sở dĩ chúng ta có cái ảo tưởng về một ngọn lửa (không đổi) là do ý niệm và sự xuất hiện của tính tương tục mà thôi.
Bản chất của khổ cũng vậy, bị che án bởi việc thay đổi sang oai nghi khác. Khi chúng ta đang ngồi và cảm thấy một sự đau nhức nào đó, chúng ta liền thay đổi oai nghi và cái đau biến mất. Thực sự, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta thay đổi oai nghi hay tư thế không ngừng, nhưng điều này không rõ rệt đối với chúng ta. Khoảnh khắc chúng ta cảm giác một cảm thọ khổ hay một chút ít khó chịu, chúng ta đã chuyển đổi oai nghi. Đặc tính vô ngã bị che án bởi sự nhận thức rằng các pháp hay mọi vật là đặc và cứng (nguyên khối tưởng). Chúng ta nhìn mọi vật và chính bản thân chúng ta như những vật cứng và cô đặc. Chừng nào chúng ta chưa thể chọc thủng qua nhận thức sai lầm cho rằng chúng ta là cô đặc như vậy, chúng ta sẽ không thấy ra được bản chất vô ngã của các pháp.
Đó là lý do vì sao phải có những pháp hành thiền quán tứ đại — đất, nước, lửa và gió. Thực sự thì chỉ những tính chất chính yếu của tứ đại này được quán, chẳng hạn mhư: đất biểu thị đặc tính bằng sự cứng hay mềm, nước bằng sự lưu chuyển hay kết dính, lửa bằng nóng, và gió bằng sự mở rộng hay nâng đỡ. Nếu chúng ta có được khả năng minh sát vào mọi hiện tượng như được cấu thành bởi tứ đại và những đặc tính của chúng, thời ý niệm về sự cô đặc sẽ yếu đi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là chắc chắn, nhưng nếu chúng ta có cái nhìn thấu suốt vào bản chất thực của chúng ta, cái bản chất vốn do danh (nāma) và sắc (rūpa) cấu thành, hay nói chính xác hơn, do những yếu tố và các lực tùy thuộc hỗ tương và tác động qua lại lẫn nhau tạo thành, thời ý niệm về một cái ngã chắc chắn, trường cửu, gắn chặt vào nhau sẽ yếu đi, và không có cái gì chúng ta có thể gọi là tự ngã được tìm thấy ở đây.
Giáo lý vô ngã là giáo lý vô cùng quan trọng đối với một người Phật tử. Thực tế là, chỉ khi có một vị Phật hay giáo pháp của Đức Phật trên thế gian, vô ngã mới có thể được hiểu. Không một ai ngoại trừ Đức Phật có thể chọc thủng hay thể nhập vào được bản chất vô ngã của các pháp bởi vì chỉ qua thiền Minh Sát, do Đức Phật khám phá, cái nhìn thấu suốt vào vô ngã mới có thể được thực chứng. Mặc dù các tư tưởng gia uyên thâm và vĩ đại không thiếu, song họ vẫn không thể chọc thủng vào vô ngã (anattā), và mặc dù các loại thiền khác, như thiền Chỉ (Samātha) chẳng hạn, có thể cho bạn những năng lực thần thông hay các trạng thái tâm cao thượng hơn, nhưng chúng không thể dẫn bạn đến tuệ giác hay cái nhìn thấu suốt vào vô ngã.
Như đã đề cập ở trước, niềm tin vào một tự ngã hay linh hồn được Đức Phật mô tả là nguyên nhân chính của khổ. Tin vào tự ngã, dù bất cứ loại nào, như tin vào một cái tôi cá nhân, một cái ngã tinh thần…, đều là nguyên nhân của mọi khổ đau (dukkha) trong vòng tử sanh luân hồi này; tin nơi atta là căn nguyên của tham, sân, và si. Những người vô thần có thể không tin vào một linh hồn, nhưng họ lại thỏa mãn cho những tham muốn của cái tôi cá nhân và như vậy có thể phạm vào những nghiệp do tham, sân, và si chi phối. Thực sự ý niệm về tự ngã này rất khó khắc phục, tuy nhiên chúng ta phải cố gắng bởi vì sự thực chứng vô ngã là con đường giải thoát, trong khi cứ khăng khăng với ý niệm tự ngã là nguyên nhân chính của khổ đau. Chúng ta không thể nói hết được tầm quan trọng của vô ngã, như Nyanatiloka giải thích:
“Bất kỳ ai không thể nhập vào được tính vô ngã của mọi hiện hữu, và không hiểu rằng trong thực tế chỉ có tiến trình tự-hủy diệt liên tục của các hiện tượng thân – tâm đang sanh và diệt, và rằng không có một thực thể-tôi riêng biệt bên trong hay bên ngoài tiến trình này, họ sẽ không thể nào hiểu được đạo Phật, đó là không hiểu được giáo lý Tứ Thánh Đế…trong ánh sáng đúng đắn của nó. Họ sẽ nghĩ rằng chính cái tôi của họ, chính cá nhân họ, cảm thọ khổ, chính cá nhân họ thực hiện những hành động thiện và ác, cá nhân họ sẽ đi vào Niết-bàn, cá nhân họ thực hành hay bước đi trên Bát Thánh Đạo.”
Những lời của Nyanatiloka đối mặt với một điểm rất quan trọng luôn được người ta hỏi về Niết-bàn: Nếu vắng mặt một cái ngã hay linh hồn, thì ai hay cái gì là cái nhập Niết-bàn? Đây là một đề tài rất khó. Từ những gì đã được nói đến từ trước đến giờ trong bài giảng này, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng không có cái ngã hay atta nào chứng đắc Niết-bàn. Cái chứng đắc Niết-bàn là tuệ-minh sát, Vipassanā-paññā. Tuệ này không phải là vật sở hữu của một cái ngã cá nhân hay cái ngã vũ trụ, mà đúng hơn một sức mạnh đã được phát triển qua việc thể nhập bằng thiền minh sát vào các hiện tượng.
Tuy nhiên một câu hỏi khác thậm chí còn khó hơn là: Cái gì xảy ra đối với một bậc Như Lai — Tathāgata (ở đây cần hiểu theo nghĩa của một người đã chứng đắc Niết-bàn, chứ không phải danh xưng của Đức Phật) sau khi chết? Một lần nữa, Đức Phật đã đưa ra câu trả lời của Ngài không dùng đến bất kỳ một loại thực thể tinh thần nào như là cái ngã—atta. Về cơ bản, Đức Phật trả lời rằng không chữ nghĩa nào có thể mô tả được những gì xảy ra đối với một bậc Như lai sau khi chết: “Như Lai đã đoạn trừ sắc (pháp) nhờ đó một người mô tả Như Lai có thể mô tả được; sắc pháp ấy đã được Như lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho nó giống như một thân cây tala, thoát khỏi nó hoàn toàn để không còn phải tái sanh trong tương lai. Như Lai đã giải thoát khỏi những gì gọi là sắc pháp v.v…, là thâm sâu, vô lượng, giống như đại dương khó dò được đến đáy, Thật không thích hợp (trong trường hợp này) để nói rằng vị ấy có tái sanh hay không tái sanh, hay tái sanh và không tái sanh, hay không tái sanh và không không tái sanh.” Rồi Ngài tiếp tục nói, sau khi đã được hỏi thêm: “Thâm sâu là giáo pháp này, khó thấy, khó hiểu, an tịnh, thù thắng, vượt ngoài lĩnh vực lý luận, vi tế, chỉ bậc trí mới có thể hiểu được.” Như vậy Niết-bàn, Thánh Đế Tuyệt-đối, sự dập tắt của mọi tương tục và trở thành, cái “không sanh, không tập khởi, không tạo ra, không tạo thành”. Thực tại, được xác nhận không nhắc đến atta. Cũng vậy, bậc Alahán chứng đắc Niết-bàn nhờ một ánh chớp trí tuệ hủy diệt vĩnh viễn mọi ảo tưởng về sự hiện hữu của tự ngã—atta. Tôi sẽ kết luận phần này với những lời đã được khéo viết của Trưởng lão Nyanatiloka:
Người ta không thể xem là đã nhấn mạnh quá dứt khoát và quá thường đến sự kiện (vô ngã), điều mà vốn chẳng những quan trọng đối với việc chứng đắc thực sự cứu cánh Niết- bàn, mà còn đối với sự hiểu biết trên phương diện lý thuyết về nó, đó là một điều kiện mở đầu và không thể thiếu để hiểu biết đầy đủ về anattā, tính vô ngã và không chắc thực của mọi hình thức hiện hữu. Không có một sự hiểu biết như vậy, nhất thiết người ta sẽ có một ý niệm sai lầm về Niết-bàn — theo những kiến thức hoặc vật chất chủ nghĩa hoặc siêu hình trừu tượng của họ — hay (hiểu Niết-bàn) như sự hủy diệt của một cái ngã, hoặc như một trạng thái vĩnh hằng của hiện hữu trong đó cái tôi hay cái ngã đi vào hay hợp nhất với nó. Chính vì thế mới nói:
“Chỉ có khổ, song không có người khổ (được thấy);
Có nghiệp, song không người tạo nghiệp;
Có Niết-bàn, song không có người nhập (Niết-bàn);
Có Đạo lộ, song không thấy người đi.”
—–
***
Trích: VÔ NGÃ
Sayadaw U Sīlānanda
TK Pháp Thông dịch.