THẮP LỬA TÂM LINH – (Cuộc Đời Và Hành Trạng Của Ngài Hộ Tông – Sơ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam)
Lời trần tình!
Viết lại tiểu sử của một đời người – nhất là loại hình văn học tiểu thuyết có tính lịch sử như thế này – không phải là điều dễ dàng. Lại càng khó khăn hơn khi vị ấy lại là bậc tôn túc trưởng lão khai tổ của Phật giáo Theravada Việt Nam – mà sai lệch tính tình đi một tí, nghiêng lệch tư tưởng đi một chút, ngại rằng tôi sẽ ăn không ngon, ngủ không yên! Theo với chiều hướng ấy, khi xây dựng bố cục, chi tiết vụ việc, hư cấu và cả giả định… sẽ xuất hiện một số vấn đề bất khả:
– Tất cả mọi tư liệu có được – đều là những con số, những ngày tháng và những sự kiện được thống kê theo thứ tự thời gian. Nó chỉ là cái xác vô hồn. Lại còn có những thông tin nơi này và nơi kia không được trùng khớp, có vẻ lệch lạc và đứt rời – rất khó nối kết.
– Cái bệnh chung của những người viết tiểu sử là hay suy tôn, phóng đại hoặc tìm cách quy chiếu mọi công trạng về cho người mà mình đang chấp bút. Do vị ấy là thầy của tôi, của ta! Tôi cũng hay bị cái bệnh này. Thế tất là phải để ý đến những nhân vật có xương có thật ở xung quanh, đang sống đồng thời, ví dụ, cùng một chí nguyên, cùng một lý tưởng – họ cũng có tư duy, quan niệm, sở thích, sở hành khác nhau… Điều ấy là đúng, nhưng may ra chỉ thể hiện được một vài!
– Một con người sống, thật sự là sống – thì phải có hoàn cảnh tương quan, liên hệ; ví dụ: Bối cảnh lịch sử, thời đại, bạn bè, tương giao, tư duy, tình cảm, cá tính, phong cách, ngôn ngữ, thói quen, kể cả ăn uống, đi đứng, ngồi nằm… Nếu thiếu những đặc điểm nêu trên – thì nhân vật trung tâm chỉ còn là hình nhân khô rỗng, hoạt phôi thai của Phật giáo Theravāda, phải có thái độ sống, hành xử khôn ngoan như thế nào để tồn tại?
Còn nữa, những bậc lương đồng về Việt Nam, họ sát cánh chung vai, mỗi người một khả năng, mỗi người một công hạnh, mỗi người một trách nhiệm… nhưng lại có chung một mục đích: Nỗ lực mang giáo pháp chân truyền về Việt Nam! Do vậy, cũng không thể bỏ quên tâm, tuệ cũng như công trạng của các bậc tiền bối khác! Đừng nên vẽ một mặt trăng rồi cho những ngôi sao chầu xung quanh!
Viết về cuộc đời ngài, tôi không thêu hoa điểm ngọc – mà tôi chỉ muốn thổi lên hơi thở của thời đại, của hoàn cảnh tương quan, của hằng chục nhân vật có cá tính, có sự sống! Có điều an ủi, là cái cốt lõi, ai cũng công nhận – nhân vật chính – như là một sợi chỉ đỏ nối kết mầu nhiệm các nhân vật khác lại với nhau – mà thiếu ngài, nó sẽ đứt lìa, đứt rời.
Cuối cùng, tôi xin sám hối với đức khai tổ, sám hối với các bậc trưởng lão tiền bối đã ra đi hay còn hiện tiền; sám hối với chư đệ tử của các ngài – nếu có chỗ nào đó. không được chính xác hoặc sai lầm một số chi tiết nào . Tôi có quá nhiều tham vọng, nhất là tham vọng vẽ nên: “Bức chân dung như thật của ngài trong bối cảnh toàn diện – mà đằng sau như lung linh cả một giai đoạn lịch sử hoằng pháp của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam”. Được thế hay không tôi cũng không dám chắc, nhưng tôi đã cố gắng hết sức mình rồi, mà “công trình bất khả” ấy chỉ mới đi được hai phần ba, biết sao hơn?
Hãy thông cảm cho tôi.
Vô vàn trân trọng.
Viết tại Am Mây Tía
từ ngày 15/3 đến 21/5 Canh Dần
Silaguna bhikkhu (MÐTTA)