Sách: ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO
(Chúng Sẽ Cười Vào Mũi Bạn Đấy)
Thiền Sư SAYADAW U TEJANIYA
TK Tâm Pháp dịch.
MỤC LỤC
– Lời Cảm Tạ
– Độc Giả Thân Mến
– Phiền Não Là Gì?
– Thiền Chánh Niệm
+ Công Việc của Tâm
+ Thư Giãn
+ Thái Độ Đúng
+ Tỉnh Giác Một Cách Thông Minh
+ Các Oai Nghi, Ăn Uống, Sinh Hoạt Hàng Ngày
+ Phóng Tâm và Tiếng Động
+ Đau Nhức và Các Cảm Giác Khó Chịu
+ Duy Trì Tỉnh Giác
+ Tại Sao ?
+ Cốt Yếu của Thiền Tập
– Trình Pháp
– Lấy Đà Chánh Niệm
– Trí Tuệ
– Thức Ăn Tâm Linh
– Tiếp Tục Hành Trì
– Thái Độ Đúng Khi Hành Thiền
—***—
ĐỘC GIẢ THÂN MẾN
Tập sách này không phải là một bản chỉ dẫn đầy đủ hay có hệ thống về một phương pháp hành thiền. Đơn giản là chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn những phương diện thực tiễn của phương pháp thiền tập này. Những lời khuyên dưới đây dựa trên những kinh nghiệm hành thiền và dạy thiền của Thiền Sư Tejaniya. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thấy nó lợi ích cho cách tu tập của mình. Song con người vốn chẳng giống nhau, nên cũng có nhiều cách để phát triển chánh niệm. Riêng chúng tôi thấy cách tiếp cận đặc biệt nầy có kết quả tốt nhất đối với mình, và do vậy muốn khuyến khích các bạn hãy thử xem sao. Những thông tin được trình bày trong tập này phản ánh sự hiểu biết và cách lý giải của chúng tôi về phương pháp này. Dĩ nhiên, có nhiều thắc mắc hoặc khó khăn của bạn mà chúng tôi chưa nêu ra hết trong tập này, bạn cần trình bày những trục trặc đó trong các buổi trình pháp.
Khi đọc tập sách này, xin bạn đừng chấp chặt vào những định nghĩa được ghi trong từ điển. Chẳng hạn, vì mục đích thông đạt nên chúng tôi sử dụng những từ tương đương như “theo dõi”, “quan sát”, “chánh niệm”, “chú ý”, “tỉnh giác” “hay biết.” “Chánh niệm” “tỉnh giác” và “hay biết” mang cùng một ý nghĩa. “Hiểu biết”, “chứng ngộ”, “tuệ giác”, “trí tuệ” được dùng để diễn đạt một điều tương tự. Từ “đối tượng” thường được dùng với nghĩa “kinh nghiệm”. “Cảm giác” để chỉ cảm thọ thuộc thân, “cảm xúc” để chỉ cảm thọ thuộc tâm. Chúng tôi cũng trình bày những điểm chính của phương pháp này từ nhiều góc độ, trong các ngữ cảnh khác nhau. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, sự lặp đi lặp lại như thế rất có ích, nhất là đối với những người mới bắt đầu hành thiền chánh niệm.