CÂU HỎI CỦA SAKKA VÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC PHẬT

Trước tiên Đế Thích (Sakka) xin phép Đức Phật để được hỏi những câu hỏi. Thông thường đối với một người có văn hoá khi muốn hỏi điều gì cần phải xin phép trước. Sau đó Đế Thích (Sakka) đã hỏi câu hỏi sau:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều mong muốn không có sân hận, không có ác tâm. Họ không muốn tranh cãi hay bị ngược đãi. Họ đều cầu mong được sống hạnh phúc, được sống an ổn, bình yên và tự do. Tuy thế họ lại không thoát khỏi hiểm nguy và đau khổ. Cái gì là nhân của tình trạng này?”
Đức Phật trả lời: “Này thiên chủ! Mọi chúng sanh đều khao khát được sống hạnh phúc, an ổn, bình yên và tự do. Tuy vậy họ lại không thoát khỏi sân hận, xung đột, hiểm nguy và khổ đau. Tình trạng bất hạnh này của các chúng sanh là do phiền não ganh tị (issā) và bỏn xẻn (macchariya) mà ra”.
Đặc tính của Issā hay ganh tị là ghét sự thành công và hạnh phúc của người khác cái vốn làm cho họ sanh khởi ác tâm và huỷ diệt. Những ước muốn ác này làm cho người ôm ấp chúng phải chịu khổ đau ngay trong hiện tại cũng như trong những kiếp sống tương lai. Tất nhiên chúng cũng đem đến khổ đau cho người bị ganh tị. Chính thói ganh tị này đã gây ra nhiều khổ đau cho thế gian. Người có tâm ganh tị không thích nhìn thấy hạnh phúc của những người thành công. Vì thế đặc tính của ganh tị là không thích hạnh phúc của người khác, nhiệm vụ (rasa) của nó là khiến cho người ganh tị buồn khổ và sự thể hiện của nó là nghĩ cách (paccupaṭṭhāna) nhắm mắt (làm ngơ) trước thành công và hạnh phúc của người khác.
Khi một người bị ganh tỵ thống trị họ không muốn thấy người khác phát đạt, thành công, đẹp người, có kiến thức hay được thăng quan tiến chức. Ganh tỵ quả thực là một thói xấu không làm lợi cho người nuôi dưỡng nó về bất cứ phương diện nào. Nó chỉ cung cấp một mảnh đất mầu mỡ cho các ác nghiệp phát triển và làm cho người ta sầu khổ. Một người có quyền lực sẽ tìm mọi cách để huỷ hoại người mà anh ta ganh tỵ và do làm như vậy anh ta đã biến họ thành kẻ thù của mình và người này có thể sẽ đáp trả lại anh ta một cách tương xứng. Cho dù không bị trả thù, anh ta chắc chắn cũng sẽ phải chịu khổ trong đời sau.
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūḷakammavibhaṇga Sutta) tóm tắt những quả nghiệp của ganh tỵ như sẽ là người bất lực (liệt dương) và không có quyền thế, không có ai theo. Một số người đàn ông hay đàn bà không muốn nghe bất cứ điều gì về vận may tốt đẹp của người khác, về sự giàu có, sung túc, thông minh, tài hùng biện, có sức khoẻ tốt hay được nhiều người khâm phục… của người khác. Họ thường nói hay làm điều gì đó gây thiệt hại cho lợi ích của người này. Sự truyền bá giáo pháp trong thời hiện đại đôi khi cũng bị thúc đẩy bởi thói ganh tỵ này. Người mà lòng đầy ganh tỵ sẽ phải chịu khổ trong địa ngục trong nhiều kiếp và sau khi thoát khỏi đó nếu họ được tái sanh lại làm người, họ sẽ là người sanh trưởng thấp hèn chỉ có vài người theo và ít tiếng tăm.
Trái lại, người hoan hỷ với vận may của người khác tâm thường không sân hận. Họ luôn vui vẻ khi thấy hay nghe nói đến sự thành công của người khác. Với hết sức mình, họ giúp cổ suý cho sự an vui và hạnh phúc của người khác, nhờ đó họ tạo được nhiều thiện nghiệp. Sau khi chết họ được sanh lên cõi chư thiên thọ hưởng một cuộc sống hạnh phúc và khi trở lại cõi nhân loại họ là người có quyền lực và đông đảo người theo. Vì vậy người ước nguyện được thành công trong đời này và đời sau nên khắc phục tánh ganh tỵ và tu tập tâm hỷ (mudutā) hay nói khác hơn, nên trau dồi tâm hoan hỷ với sự thành công và hạnh phúc của người khác.
—–
Trích: GIẢNG GIẢI KINH THỪA TỰ PHÁP
(DHAMMADĀYĀDA SUTTA)
Mahāsī Sayādaw
TK Pháp Thông dịch.
Ảnh: được 1 vị gia chủ chụp tặng khi Tượng ra tới HN an toàn! Chúc anh tinh tấn và tiến hoá trên nền tảng của Pháp!